Xử trí ngạt do dị vật đường thở ở trẻ em

         XỬ TRÍ NGẠT DO DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ Ở TRẺ EM

Ngạt là sự tắc nghẽn toàn phần hay một phần của đường thở, dẫn tới tình trạng thiếu hụt oxy cung cấp cho các mô, cơ quan của cơ thể. Biến chứng ngạt do dị vật là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 3.000 người mỗi năm, trong đó trẻ dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Nạn nhân bị ngạt do dị vật đường thở có thể mất ý thức hoặc dẫn tới tử vong trong thời gian rất ngắn, cho nên việc xử trí kịp thời nhằm tái thông đường thở cho nạn nhân là vô cùng quan trọng.

1.    Các dị vật đường thở thường gặp ở trẻ em

Dị vật đường thở là những vật lạ rơi vào và mắc kẹt trong thanh – khí quản hoặc phế quản, làm tắc nghẽn đường dẫn khí gây nên tình trạng giảm thông khí cho nạn nhân nếu không được sơ cứu kịp thời. Tắc nghẽn đường thở làm giảm lượng oxy trong máu, ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não.

Dị vật đường thở gồm có hai loại: Vô cơ và hữu cơ.

  • Hữu cơ: Các loại hạt, đậu, bánh kẹo, trái cây, thực phẩm quá mềm hoặc quá cứng, sặc sữa hay cháo (trẻ sơ sinh),…
  • Vô cơ: Đồ chơi trẻ em, pin, gôm, giấy,…

2.    Dấu hiệu và triệu chứng ngạt do dị vật đường thở

Ngạt đường thở do dị vật thường xuất hiện khá đột ngột với các biểu hiện như sau:

Ngạt đường thở một phần:

  • Hít thở khó khăn: Há miệng to để thở và có thể nghe thấy tiếng thở lớn
  • Nét mặt sợ hãi
  • Ho sặc sụa: Cố gắng để tống xuất dị vật
  • Môi trở nên nhợt nhạt do thiếu oxy
  • Dùng tay ôm lấy cổ họng hoặc ngực
  • Có dấu hiệu bất thường (trẻ đang khỏe mạnh trước đó) hoặc khóc (Trẻ sơ sinh).

Ngạt đường thở toàn phần:

  • Không thể nói chuyện, khóc, ho hay thở
  • Da niêm đổi màu: nhợt nhạt sau đó chuyển màu xanh tím
  • Môi chuyển màu xanh
  • Hoảng loạn

3 – Xử trí cấp cứu cho nạn nhân ngạt đường thở do dị vật

Nếu nghi ngờ hoặc quan sát thấy nạn nhân mắc kẹt dị vật trong đường thở, cần nhanh chóng xác nhận bằng cách hỏi và quan sát nét mặt của nạn nhân, sau đó thực hiện sơ cứu.

Nếu trẻ còn có thể nói chuyện, khóc được, da niêm hồng hào và không khó thở nên giữ trẻ yên ở tư thế ngồi, đồng thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và gắp dị vật ra khỏi đường thở.

Nếu trẻ không thể khóc, ho và thở khó, da niêm nhợt nhạt rồi chuyển sang tím tái. Nhanh chóng gọi xe cấp cứu và tiến thành sơ cứu theo các bước như sau:

 

Với trẻ dưới 2 tuổi – phương pháp vỗ ngực ấn lưng

Bước 1: Kiểm tra các bất thường của trẻ (trẻ đang khóc hoặc ho gắng sức) để xác định hình huống cần sơ cứu.

Bước 2: Tư thế

  • Đặt người trẻ lên dọc cánh tay trái, giữ đầu và cổ bằng lòng bàn tay và các ngón tay.
  • Đặt cánh tay còn lại áp sát phía trước người trẻ, dùng ngón tay trỏ và ngón cái giữ hàm của trẻ.
  • Lật trẻ qua bên tay phải để trẻ nằm sấp, đầu thấp hơn ngực.

Lưu ý:

  • Đảm bảo luôn giữ chặt đầu và cổ của trẻ bằng lòng bàn bàn tay và các đầu ngón tay trong quá trình thực hiện.
  • Giữ đầu thấp hơn ngực

 

Bước 3: Vỗ lưng – ấn ngực

  • Dùng gót bàn tay trái vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
  • Sau đó lật ngửa trẻ sang tay trái, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay phải ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.
  • Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Đối với trẻ lớn

Bước 1: Xác nhận tình huống

Người sơ cứu có thể hỏi nạn nhân và đánh giá đáp ứng như sau:

  • Nếu trẻ có thể trả lời hoặc ho gắng sức thì nên khuyến khích trẻ tiếp tục ho để tống xuất dị vật ra khỏi đường thở. Nếu tình trạng trẻ thay đổi xấu hơn, nên tiến hành thực hiện sơ cứu ngạt do dị vật.
  • Nếu trẻ không thể trả lời hoặc không thể ho, nên gọi điện cho xe cấp cứu và tiến hành thực hiện sơ cứu ngay lập tức.

Bước 2: Thủ thuật Heimlich

  • Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới mũi kiếm xương ức, phía trên rốn.
  • Ẩn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc la được.

Lưu ý: Nếu trẻ hôn mê, nên tiến hành ấn tương tự nhưng cho trẻ ở tư thế nằm thẳng.

Kết luận: Ngạt thở có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó ngạt thở do dị vật là nguyên nhân chiếm tỷ lệ gây tử vong không hề ít. Những trường hợp ngạt do dị vật đường thở thường khởi phát một cách đột ngột kèm theo tâm lý hoảng sợ của nạn nhân, cho nên người sơ cứu cần trấn an tâm lý và thực hiện sơ cứu nhanh chóng giúp đẩy dị vật ra khỏi đường dẫn khí càng nhanh tốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Xử trí dị vật đường thở ở trẻ em
  2. “Choking” – American Red Cross

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *