CẤP CỨU NẠN NHÂN HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
Hạ đường huyết không phải là một bệnh lý, nó là một dấu chỉ báo hiệu sự bất thường của cơ thể do một nguyên nhân nào đó. Triệu chứng của hạ đường huyết diễn tiến khá nhanh chóng, chính vì vậy cần cấp cứu kịp thời trước khi bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
- Hạ đường huyết là gì?
Đường huyết (hay là glucose máu) được định nghĩa là nồng độ đường hay glucose trong máu. Ở người bình thường, đường huyết luôn dao động trong khoảng nhất định (70 -100 mg/dl đo trước ăn), do đó không gây ảnh hưởng tới các hoạt động chuyển hoá khác. Hạ đường huyết là tình trạng nồng độ đường hay glucose máu thấp hơn ngưỡng bình thường của cơ thể.
Nguồn: Internet
Đường được hấp thụ vào cơ thể dưới nhiều dạng, tuy nhiên chúng được lưu hành trong máu ở dạng glucose là một loại đường đơn giản, được tạo ra chủ yếu từ quá trình chuyển hoá chất bột đường. Glucose đóng vai trò tạo năng lượng cho hoạt động của cơ thể, cho nên điều hòa nồng độ đường huyết là một phần của hoạt động cân bằng nội môi. Khi lượng glucose trong máu dư thừa, chúng sẽ được chuyển thành dạng dự trữ ở cơ và gan gọi là glycogen. Glycogen được ly giải khi cơ thể nhịn đói hay thiếu hụt glucose và phóng thích glucose vào máu.
- Biểu hiện của hạ đường huyết
Tuỳ vào tình trạng sức khoẻ, mỗi người sẽ có biểu hiện khác nhau khi bị hạ đường huyết. Các triệu chứng biểu hiện từ nhẹ đến nặng như sau:
Giai đoạn sớm:
- Cảm giác run tay chân
- Hồi hộp, bồn chồn
- Đổ mồ hôi
- Nhịp tim nhanh
- Hoa mắt, chóng mặt
- Cảm giác đói
- Buồn nôn
- Xanh xao
Giai đoạn muộn:
- Mệt mỏi
- Nhìn mờ
- Đau đầu
- Hôn mê
- Co giật
- Tử vong
Nguồn: Internet
Các triệu chứng của hạ đường huyết không phải là các dấu hiệu đặc trưng, có thể xuất hiện ở một số bệnh lý khác. Cách chính xác nhất để chẩn đoán hạ đường huyết là thử đường huyết ngay tại thời điểm bệnh nhân xuất hiện triệu chứng.
Nồng độ glucose máu thấp được cơ thể nhận biết và tiết ra một hormone gọi là Epinephrine (adrenaline). Hormone này tác động lên cơ thể và cho ra các triệu chứng ở bệnh nhân hạ đường huyết.
- Nguyên nhân gây hạ đường huyết
Hạ đường huyết thường xảy ra phổ biến ở bệnh nhân bị đái tháo đường. Nguyên nhân có thể dẫn tới trình trạng hạ đường huyết gồm có:
Liên quan bệnh đái tháo đường
- Do tiêm insulin: Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường thường do sự kiểm soát kém đường huyết dẫn tới việc sử dụng insulin quá mức, gây nên tình trạng hạ đường huyết đột ngột. Bên cạnh đó, tình trạng hạ đường huyết cũng có thể xuất hiện nếu sau khi tiêm insulin hoặc uống thuốc bệnh nhân ăn uống không đầy đủ hoặc tập luyện quá mức.
Không liên quan bệnh đái tháo đường
- Do thực phẩm: Chế độ ăn kiêng (low carbs) bất hợp lý, sử dụng nhiều rượu bia
- Do thuốc: Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị đái tháo đường có thể là nguyên nhân của hạ đường huyết.
- Do hoạt động thể chất: Tập thể dục là một hoạt động có ích, tuy nhiên ở những người muốn giảm cân nhanh chóng thường tập một cách khắc nghiệt và không có kế hoạch gây hạ đường huyết.
- Do bệnh lý: Nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý gây ứ đọng insulin trong cơ thể như: Suy thận, khối u tuyến tụy (insulinoma),… Hoặc các bệnh lý về gan cũng có thể dẫn tới tình trạng hạ đường huyết.
- Hạ đường huyết sau ăn: Đây là tình trạng cơ thể phóng thích lượng lớn insulin sau một bữa ăn, vượt quá nồng độ insulin cần thiết dẫn đến tình trạng hạ đường huyết sau ăn hay còn gọi là hạ đường huyết phản ứng. Thường gặp ở bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày
- Cách sơ cứu bệnh nhân hạ đường huyết
Phương pháp sơ cứu duy nhất cho một bệnh nhân hạ đường huyết là bồi hoàn lượng đường, đồng thời ngừng tất cả các loại thuốc có nguy cơ gây hạ đường huyết để mức glucose máu trở về giá trị ổn định.
Với một bệnh nhân đang ở giai đoạn sớm, cho bệnh nhân uống ngay nước đường hoặc một số thực phẩm chứa đường.
Nguồn: Internet
Với bệnh nhân ở giai đoạn muộn đã rơi vào trạng thái bất tỉnh, bổ sung đường qua đường miệng có thể dẫn tới hít sặc, cần sơ cứu bệnh nhân theo các bước như sau:
- Đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, không cho bệnh nhân ăn/uống bất cứ gì
- Gọi cấp cứu 115
- Nếu có sẵn glucagon, tiêm ngay lập tức cho bệnh nhân nếu người sơ cứu biết cách sử dụng và đảm bảo bệnh nhân không phải hạ đường huyết do rượu bia hoặc có thể truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân bằng dung dịch chứa đường ưu trương (Glucose 10%)
- Nếu bệnh nhân tỉnh và cải thiện sau 10 phút tiêm glucagon tiếp tục bổ sung đường qua ăn uống cho bệnh nhân.
- Phòng ngừa
Để hạn chế tình trạng hạ đường huyết, ngoài việc xử trí tức thời cần có các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu sự tái diễn hạ đường huyết. Để chủ động phòng ngừa, cần thực hiện các vấn đề như sau:
- Đối với bệnh nhân đái tháo đường, nên theo dõi và kiểm soát đường huyết chặt chẽ, không nên chủ quan nếu có sự dao động bất thường của đường huyết.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh và hợp lý, không ăn kiêng khem tinh bột quá mức.
- Tập luyện thể dục thể thao có kế hoạch và phương pháp tập phù hợp với tình trạng sức khoẻ.
- Với những người có cơ địa thường xuyên hạ đường huyết nên để sẵn các thực phẩm có thể bổ sung đường ngay lập tức.
KẾT LUẬN:
Để duy trì sự cân bằng nội môi và không gây ra các rối loạn chuyển hoá, cơ thể luôn duy trì nồng độ đường huyết trong ngưỡng cho phép thông qua cơ chế tổng hợp và ly giải glycogen. Tuy nhiên, mỗi cơ địa khác nhau có mức hạ đường huyết khác nhau, cho nên việc theo dõi đường huyết và lập chế độ ăn phù hợp là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hypoglycemia (Low Blood sugar) – American Diabetes Association
- Low blood sugar (hypoglycaemia) – NHS -UK