Sơ cứu nạn nhân đuối nước

SƠ CỨU NẠN NHÂN ĐUỐI NƯỚC

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 360,000 ca tử vong do tai nạn đuối nước, đặc biệt chiếm tỉ lệ cao ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là tai nạn phổ biến, thường xuất hiện ở các khu vực như: Biển, ao hồ, sông suối,…Trong trường hợp phát hiện nạn nhân đuối nước phải nhanh chóng sơ cứu kịp thời và đúng cách, nhằm ngăn chặn sự tổn thương không phục hồi của não bộ do thiếu oxy máu.

     I.         Tại sao phải giữ an toàn dưới nước?

Đuối nước là một dạng của ngạt do sự co thắt của khí quản theo phản xạ khi cơ thể ở trong môi trường nước hoặc do hít nước vào phổi.

(Nguồn: Internet)

Để  cứu sống nạn nhân đuối nước cần tiến hành sơ cứu kịp thời trong vòng từ 1- 4 phút kể từ khi nạn nhân bị chìm trong nước. Đây là khoảng thời gian để có thể ngăn chặn các diễn tiến xấu theo 4 giai đoạn sau đây:

Giai đoạn 1:  Theo phản xạ nạn nhân sẽ ngừng thở và nhịp tim chậm lại. Quá trình này kéo dài khiến lượng oxy trong máu giảm đáng kể.

Giai đoạn 2: Cơ thể bắt đầu tăng nhịp tim và huyết áp để đáp ứng với tình trạng giảm oxy máu.

Giai đoạn 3: Đến khi tình trạng ngưng thở đạt ngưỡng (tùy nạn nhân) thì nhịp thở xuất hiện trở lại kéo theo một lượng nước vào đường thở, khí quản lại tiếp tục co thắt để ngăn lượng nước này.

Giai đoạn 4: Khi cơ thể dần kiệt sức, các cơ khí quản không co thắt nữa, lượng nước và các dị vật bắt đầu đi vào phổi, nhịp tim bắt đầu chậm lại, sau đó là ngừng tim.

   II.         Cách để giữ an toàn dưới nước

1.    Biết cách phòng ngừa khi ở gần môi trường nước

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây để bảo đảm tối đa an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh:

  • Xác định khả năng bơi lội cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân
  • Không nên bơi lội một mình, đặc biệt là trẻ em
  • Trang bị các dụng cụ bảo hộ
  • Không bơi lội ở khu vực nghiêm cấm

(Nguồn: Internet)

  1. Nâng cao kỹ năng bơi lội và nhận biết điều kiện nước không an toàn

3.    Kỹ năng sơ cứu cho người đuối nước

a.    Nhận biết dấu hiệu của nạn nhân đuối nước

b.    Giải cứu và đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước, chú ý an toàn của bản thân

  • Nếu nạn nhân còn giãy giụa dưới nước: Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân khi chưa được huấn luyện cách đưa người đuối nước vào bờ. Trong tình trạng hoảng loạn và vùng vẫy, nạn nhân có thể dùng toàn bộ sức lực để níu chặt vào người cứu nạn và có thể đưa người cứu nạn vào tình huống nguy hiểm.
  • Cách tốt nhất: Đưa nạn nhân một vật (Dây, khúc gỗ, phao bơi,…) đủ để nạn nhân bám vào và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc có thể trực tiếp đưa nạn nhân vào bờ một cách khẩn trương khi nạn nhân vừa bất tỉnh.

(Nguồn: Internet)

  1. Kiểm tra nạn nhân và gọi trung tâm cứu hộ nhờ giúp đỡ
  • Lay gọi nạn nhân
  • Kiểm tra mạch và nhịp thở
  • Gọi 115
  1. Tiến hành hồi sức tim phổi và xử lý các chấn thương

Đối với nạn nhân đã bất tỉnh:

  • Sau khi đưa nạn nhân vào bờ, đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng và ngửa đầu ra sau
  • Tiến hành thổi ngạt 5 lần nếu quan sát lồng ngực không di động
  • Ép tim ngoài lồng ngực 30 lần nếu bắt mạch nạn nhân không được
  • Thực hiện lặp lại các chu kỳ 30/2 (30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt) cho tới khi nạn nhân có mạch đập và nhịp thở trở lại.

Đối với nạn nhân còn tỉnh:

  • Đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để nạn nhân tự thở.

       Lưu ý: Khi sơ cứu, không nên dốc ngược nạn nhân để nước chảy ra, đặc biệt đối với trẻ em. Thực chất, phương pháp này không có hiệu quả trong việc tống lượng nước ra ngoài mà chỉ làm lãng phí thời gian cứu sống nạn nhân trong vài phút ít ỏi.

III. Biến chứng do ngạt nước

  • Nhiễm trùng đường hô hấp
  • Tổn thương não bộ
  • Phù phổi cấp

Các biến chứng thường gặp là các biến chứng từ phổi, do sự đi vào tự do của nước và các dị vật dẫn tới viêm phổi hay phù phổi cấp. Nặng hơn là các biến chứng từ não do sự thiếu hụt oxy máu nuôi, nạn nhân có thể rơi vào trạng thái sống thực vật sau khi được cứu sống.

 

 KẾT LUẬN: Về cơ bản, đuối nước cũng là một tình trạng ngạt đường thở, ngăn cản sự lưu thông và trao đổi khí. Tai nạn đuối nước diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, một phần do lãnh thổ có đường bờ biển dài, kèm theo hệ thống kênh rạch, sông ngòi phong phú, tuy nhiên nhìn chung nguyên nhân chính do sự hiểu biết chưa đầy đủ về cách sơ cứu cho nạn nhân bị đuối nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Drowning – Wikipedia
  2. Phương pháp sơ cứu người bị đuối nước đúng cách – Bộ Y tế
  3. Water Safety – American Red Cross

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *