Những sai lầm trong sơ cứu ban

Sơ cứu ban đầu là kỹ năng quan trọng, có khả năng quyết định phần trăm sống còn của nạn nhân. Do đó, khi mắc những lỗi sai trong sơ cứu ban đầu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đe doạ tính mạng của nạn nhân, đôi khi có thể ảnh hưởng đến người sơ cứu.

 

Những sai lầm trong sơ cứu ban đầu ngoài bệnh viện gồm có: 

  • Bảo vệ bản thân trước các yếu tố nguy cơ

Trong nhiều trường hợp, khi thực hiện sơ cấp cứu ban đầu người thực hiện chỉ quan tâm đến vấn đề sống còn của nạn nhân mà quên mất việc bảo vệ bản thân. Việc này không chỉ giúp bảo vệ sức khoẻ người sơ cứu mà còn góp phần bảo vệ người bị nạn.

 

Khi phát hiện một nạn nhân bị điện giật, trước khi tiếp cận nạn nhân cần đảm bảo bản thân không gặp rủi ro khi tiếp xúc với nạn nhân. Tuyệt đối không chạm vào người bị điện giật nếu chưa chắc chắn nguồn điện đã được ngắt hoàn toàn. Đối với dòng điện cao thế, cần đứng cách ít nhất 18m tính từ vị trí nguồn điện nơi bệnh nhân tiếp xúc. Với nguồn điện hạ thế, tắt công tắc của nguồn điện hoặc sử dụng các vật dụng có khả năng cách điện để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.

 

Mặt khác, hạn chế phơi nhiễm các yếu tố lây nhiễm cũng cần được lưu ý. Đeo găng tay sạch là cách hạn chế tiếp xúc với các yếu tố lây nhiễm trong quá trình sơ cứu. Tuy nhiên, trong trường hợp găng tay sạch không có sẵn, người sơ cứu nên sử dụng khăn, vải sạch để đảm bảo không tiếp xúc trực tiếp với vết thương hay máu của nạn nhân. Hơn nữa, rửa tay đúng cách sau khi sơ cứu cũng là bước cần thiết thực hiện nhưng thường bị quên lãng

Nguồn: First Aid Manual

  • Cố gắng di chuyển nạn nhân chấn thương nặng

Nạn nhân bị chấn thương nặng thường được phát hiện sau một vụ tai nạn giao thông hoặc một vụ đổ sập. Thông thường, những nạn nhân bị chấn thương sẽ được đưa ra khỏi hiện trường ngay lập tức. Tuy nhiên, di chuyển nạn nhân bị chấn thương nặng ra khỏi vị trí tai nạn là vô cùng nguy hiểm, vì khả năng bị tổn thương cột sống sống chưa được loại trừ, khi di chuyển nhưng không được cố định đúng cách, nạn nhân có nguy cơ cao tổn thương thần kinh do chèn ép cột sống cổ, không phục hồi chức năng dẫn đến tình trạng liệt hoặc nghiêm trọng hơn là tử vong ngay lập tức.

Giải pháp tốt nhất trong trường hợp này, nên giữ bệnh nhân ở một tư thế ổn định và gọi xe cấp cứu. Trong lúc đợi, có thể thực hiện cầm máu nếu có chảy máu hoặc cố định chi cho nạn nhân, nếu nhận thấy dấu hiệu gãy xương.

  • Garo vết thương chảy máu

Garo là một phương pháp cầm máu dễ thực hiện và khá phổ biến. Tuy nhiên, garo vết thương đòi hỏi phải tái lập tưới máu để đảm bảo các bộ phận cơ thể của nạn nhân có đủ máu để hoạt động. Những trường hợp garo vết thương liên tục hơn 1 giờ, có thể ngăn máu chảy đến một bộ phận nào đó, làm tăng nguy cơ tổn thương mô vĩnh viễn, nặng hơn là hoại tử và phải cắt cụt chi.

Nguồn: Brightside

Để hạn chế những rủi ro trên, cần tuân theo nguyên tắc không đặt garo quá 6 giờ, mỗi giờ nới lỏng garo không quá 1 phút. Bên cạnh đó, trong những trường hợp vết thương nhỏ không gây chảy máu nhiều, chỉ nên sử dụng gạc vô trùng hoặc vải sạch ấn vào vết thương để cầm máu.

  • Sử dụng dung dịch sát khuẩn khi sơ cứu vết thương

Dung dịch sát khuẩn (Cồn, Povidine, Betadine) là một loại chất lỏng có khả năng loại bỏ vi khuẩn phù du, tạp chất, có khả năng làm khô và làm lành vết thương. Với những chức năng đó, cho nên các dung dịch sát khuẩn thường có sẵn trong tủ thuốc gia đình và được sử dụng cho mọi vết thương từ nhỏ đến lớn với mục đích sát khuẩn. Tuy nhiên, cách nhìn nhận này chưa đúng hoàn toàn. 

Với những vết thương nhỏ (trầy, xước) việc sử dụng dung dịch sát khuẩn có thể cho hiệu quả tốt, giúp loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn trên bề mặt vết thương. Nhưng với những vết thương lớn hơn (vật nhọn đâm, vết thương hở) các chất trong dung dịch sát khuẩn làm tổn thương các tế bào và mô lành, làm ảnh hưởng đến quá trình lành của vết thương.

Cách tốt nhất để làm sạch vết thương trước khi đưa nạn nhân vào bệnh viện như sau:

Nguồn: Brightside

  • Bước 1: Rửa vết thương bằng nước sạch từ trong ra ngoài để loại bỏ dị vật (cát, bụi, mảnh vụn thuỷ tinh)
  • Bước 2: Có thể bôi một ít mỡ có chứa kháng sinh
  • Bước 3: Băng vết thương bằng gạc sạch hoặc có thể để hở

  • Ngửa đầu ra sau khi chảy máu cam

Chảy máu cam là hiện tượng xuất huyết do niêm mạc mũi bị tổn thương, ngửa đầu ra sau khiến máu chảy vào hầu họng, nạn nhân có thể nuốt phải máu đó và không thể cầm máu được.

Cần cho nạn nhân ngồi, không nằm xuống và giữ đầu thẳng để làm giảm áp lực ở các tĩnh mạch máu mũi. Dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn vào hai bên cánh mũi trong vòng 10 phút và thở bằng miệng, sau 10 phút kiểm tra dấu hiệu ngừng chảy máu. Nếu máu vẫn còn chảy, tiếp tục thực hiện thêm 10 phút. Chảy máu cam thường là biểu hiện lành tính và tự khỏi, tuy nhiên nếu tình trạng xuất huyết niêm mạc mũi xảy ra trên 20 phút, cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán tiếp tục.

  • Garo vết thương rắn cắn

Người ta thường nghĩ rằng, garo vết thương rắn cắn sẽ giúp làm giảm sự lưu thông độc chất trong tuần hoàn. Thực chất, quan niệm này không hề đúng. Garo là một biện pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, khi tháo garo nọc độc sẽ cùng máu ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc và đe doạ tính mạng.

Để đảm bảo an toàn cho người bị rắn cắn, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế và theo dõi trong vòng 12 giờ đầu, nếu trễ sau 24-48 giờ khả năng điều trị rất kém hoặc không hiệu quả. Bên cạnh đó, trước khi đưa đến bệnh viện cần cho bệnh nhân bất động, tránh đi lại khiến nọc độc xâm nhập nhanh hơn, luôn để vết thương thấp hơn vị trí của tim. Băng ép có thể được áp dụng, tuy nhiên biện pháp này chỉ áp dụng cho một số loài rắn hổ. Cách tốt nhất hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nhanh nhất đồng thời hạn chế sự lây lan nọc độc của rắn.

 

KẾT LUẬN:

Có những quan điểm, phương pháp sơ cứu đã xuất hiện từ rất lâu và được áp dụng một cách rộng rãi. Nhưng không phải vì vậy mà những phương pháp này đều đúng hoàn toàn. Do đó, người thực hiện sơ cứu cần có những kiến thức và nguồn thông tin chính xác nhất để có thể vừa giúp nạn nhân tăng thêm cơ hội sống, vừa bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro không lường trước được.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. “Cách sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn” – Bệnh viện 108
  2. “Cách sơ cứu khẩn cấp khi bị rắn độc cắn” – Bệnh viện Bạch Mai”
  3. “Common First Aid Dos and Don’ts” – WebMD
  4. “Electrical incidents” – First Aid manual
  5. “Nosebleed” – First Aid Manual

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *