Cho dù chúng ta cố gắng làm cho không gian sống trong nhà của mình an toàn đến mức nào đi chăng nữa, thì tai nạn tại nhà vẫn có thể xảy ra – ngay cả ở trong những hộ gia đình để ý nhất. Khi nói đến sức khỏe của gia đình, đặc biệt là đối với những gia đình có trẻ nhỏ, chúng ta nên biết chính xác mình phải làm gì nếu những tình huống sơ cứu thường gặp tại nhà xảy ra. Chúng tôi muốn giúp bạn tăng cường sự tự tin trong việc giải quyết các vấn đề phổ biến về sức khỏe và an toàn khi ở trong nhà. Dù cho là những vết thương nhỏ nhưng cũng không nên chủ quan, nếu chăm sóc không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là cách sơ cứu một số tai nạn thường gặp tại nhà:
- Bỏng
- Bỏng được xem như một loại chấn thương trên da hay các mô khác. Bỏng xuất hiện khi một vài hay tất cả các tế bào bị tiêu diệt bởi: sức nóng, lạnh, điện, phóng xạ, hay các tác nhân hóa học khác.
- Cấp cứu bệnh nhân bỏng bao gồm: đánh giá dấu hiệu nguy kịch tới
tính mạng bệnh nhân, đánh giá tổn thương bỏng, sơ cứu và cấp cứu. - Nguyên tắc xử trí
– Đảm bảo các bước A, B, C… trong xử trí cấp cứu người bệnh
– Nhanh chóng loại trừ các tác nhân gây bỏng ra khỏi cơ thể nếu còn
– Hạn chế tối thiểu mức độ nhiễm bẩn cho vết bỏng, băng bó vết thương, vận chuyển đến chuyên khoa bỏng.
- Các bước xử trí:
Bước 1: nhanh chóng loại trừ các tác nhân gây bỏng ra khỏi cơ thể nạn nhân (nếu cần): xé bỏ quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm đẫm nước nóng, xăng, dầu, hóa chất.
– Bọc vùng bỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên
– Tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, ủng, vòng nhẫn trước khi vết bỏng sưng nề.
– Che phủ vùng bỏng bằng đắp gạc vaseline
Bước 2: cấp cứu đảm bảo các chức năng sống: Hô hấp, tuần hoàn …
Bước 3: xử trí cấp cứu vết bỏng
– Băng chỗ bỏng bằng băng vô khuẩn: có thể dùng gạc vô khuẩn băng lại để hạn chế chỗ mất nhiệt của bệnh nhân.
– Bỏng sâu: Rạch ra bỏng để tuần hoàn máu được bình thường tránh thiếu tưới máu.
– Bỏng bàn tay thì cho bàn tay vào túi nhựa rồi băng lỏng cổ tay, làm như vậy cho phép nạn nhân vẫn cử động được các ngón tay dễ dàng, tránh làm bẩn vết bỏng.
– Bỏng ở cổ chân, cổ tay thì phủ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn sau đó có thể nẹp cố định.
– Không chọc phá các túi phỏng nước.
- Bong gân
Bong gân thường xảy ra ở mắt cá chân, đầu gối hoặc cung bàn chân. Trong trường hợp này, dây chằng sẽ bị bong sưng lên nhanh và đau. mọi người cần thực hiện 4 điều: nghỉ ngơi, chườm lạnh, quấn băng ép và kê cao vùng chấn thương (tức là RICE, gồm các chữ cái đầu của 4 từ tiếng Anh):
- Nghỉ ngơi (R – Rest): Cần hạn chế vận động để giảm bớt đau, có thể dùng nạng, gậy hoặc nẹp vải thông dụng đối với chấn thương nhẹ. Trong trường hợp sau chấn thương mà các cử động thông thường bị giới hạn thì cần để cho vùng tổn thương được nghỉ ngơi hoàn toàn bằng cách dùng nẹp cố định. Có thể dùng bất cứ vật gì dài và chắc để nẹp qua 2 khớp.
- Chườm đá (I – Ice): Để giảm đau và sưng phù, có thể dùng thuốc xịt giảm đau và các túi chườm lạnh nhanh; hoặc dùng đá lạnh cho vào túi ni lông, sau đó dùng khăn bọc lại và chườm để tránh tê cóng.Trong 24 giờ đầu, chườm đá chừng 3 lần, mỗi lần lâu khoảng 20 – 30 phút. Đặc biệt, không thoa dầu nóng hoặc dùng nhiệt trong 24 giờ đầu vì có thể làm sưng, bầm nhiều hơn
- Băng ép (C – Compression): Nên dùng băng thun, quấn nhẹ nhàng và đều tay sẽ giúp cho vùng tổn thương giảm sưng nề và mau hồi phục. Lưu ý, không băng quá chặt tay làm ảnh hưởng đến tuần hoàn phía sau nơi băng ép. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các đầu ngón chân/tay xem có tím hoặc bị tê bì không, nếu có thì phải nới lỏng băng thun.
- Kê cao (E – Elevation): Kê vùng chi bị tổn thương lên cao hơn tim để tăng lượng máu tĩnh mạch dồn về hệ tuần hoàn, làm giảm sưng nề.
- Vết thương chảy máu
- Đối với vết thương trầy da, chảy máu nhẹ (như đứt tay, té trầy…)
Khi bạn có vết thương trầy da, chảy máu nhẹ (như đứt tay, té trầy…), rửa sạch vết thương bằng nước sạch (nước đun sôi để nguội càng tốt), có thể rửa dưới vòi nước áp lực càng tốt. Việc rửa này giúp đẩy các chất bẩn ra ngoài, pha loãng vi khuẩn. Nếu có nhiều bùn đất, cát, dùng oxy già để rửa vết thương đẩy bùn đất ra ngoài. Sau đó lau sạch, rửa lại bằng nước xà phòng và thấm khô vết thương bằng gạc sạch.
- Đối với vết thương sâu, dài, chảy nhiều máu.
Khi bị tai nạn có vết thương sâu, dài, chảy nhiều máu cầm máu bằng cách đè ép lên vết thương 3 phút bằng một miếng gạc hay vải sạch. Cơ chế tự cầm máu của cơ thể sẽ hoạt động. Tuyệt đối không được đắp bất cứ vật gì lạ lên vết thương (mạng nhện, thuốc lá, các loại lá cây.. việc đắp lên sẽ làm bẩn thêm vết thương, đưa thêm vi trùng vào cơ thể. Sau 3 phút, rửa thật sạch vết thương dưới vòi nước sạch hoặc đun sôi để nguội. Sau đó lau sạch, băng lại và đến cơ sở y tế để được xử trí tiếp theo và dùng kháng sinh.
Lưu ý: Nếu sau rửa còn thấy mảnh kính hoặc dị vật dính vào vết thương, đừng cố lấy ra bởi vì những dị vật này có tác dụng cầm máu, nếu lấy ra sẽ gây chảy máu nhiều hơn. Nếu còn chảy nhiều máu, nâng vết thương cao hơn ngực, ấn chặt vào vết thương. Không được bôi cồn 90o, iod (Betadine, Povidine) trực tiếp vào vết thương hở vì sẽ làm tổn thương mô. Oxy già có tác dụng phá hủy tế bào, sủi bọt đẩy các hạt bụi , cát bẩn ở sâu sủi lên và ra ngoài, ngoài ra có tác dụng cầm máu.
- Điện giật
Các bước sơ cứu khi bị điện giật như sau:
– Tắt nguồn điện tiếp xúc với người bệnh. Hãy dùng các vật dụng không dẫn điện như bìa carton, nhựa gỗ để ngắt nguồn điện.
– Kiểm tra dấu hiệu tuần hoàn thở, tiến hành hô hấp nhân tạo khi cần thiết.
– Đặt nạn nhân nằm với tư thế đầu thấp hơn thân mình một chút và kê cao chân để đề phòng sốc.
– Gọi cấp cứu ngay nếu thấy nạn nhân bị giật điện có triệu chứng loạn nhịp tim hoặc tim ngừng đập, suy hô hấp, tím tái hoặc ngừng thở, đau và co rút cơ, co giật, tê bì và ù tai, bất tỉnh…
Tài liệu tham khảo:
- Basic Science and Health Education for Primary Schools, Uganda (UNICEF, 1992) Chapter First Aid for Common Accidents
- Tài liệu đào tạo cấp cứu cơ bản, Bộ Y Tế 2014
- Phạm Thế Hiển 2020, Hướng dẫn sơ cứu những tai nạn thường gặp