Trước khi nhập viện, vì không được sơ cứu, hoặc có sơ cứu mà không đúng cách nên rất nhiều nạn nhân đã chết trước khi được đưa tới viện. Nhiều trường hợp gãy cột sống cổ, gãy khung chậu, vỡ cơ hoành… đã tử vong trong lúc khiêng nạn nhân lên cáng, lên ôtô.
Trong ngành y tế, cấp cứu trước khi đến bệnh viện là một khâu cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công đoạn này thì nhiều người sẽ được cứu với chi phí thấp nhất, thiết bị đơn giản nhất. Ngược lại, nếu làm không tốt thì chi phí sẽ đội lên hàng chục, hàng trăm lần hay hơn nữa, thậm chí còn để nạn nhân, bệnh nhân tử vong.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng Hà Nội, việc vận chuyển bằng xe cứu thương chỉ chiếm 10% các ca cấp cứu. Một nghiên cứu khác tiến hành trên 6 bệnh viện tỉnh ở Việt Nam cho thấy có 98% nhạn nhân của các vụ tai nạn đến viện bằng xe máy.
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Liên Hương và cộng sự trong năm 2008 cũng cho thấy chỉ 4% các ca tai nạn thương tích được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, 52% bệnh nhân không được cấp cứu ban đầu tại hiện trường.
Đối với cấp cứu nhi khoa, hệ thống cấp cứu trước bệnh viện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Bệnh viện Nhi Trung Ương tiếp nhận tới hơn 2.000 bệnh nhi cấp cứu hàng tháng. Điều đáng quan tâm là khoảng 0,3% số trẻ cấp cứu bị tử vong do cách xử trí ban đầu chưa đúng của người dân và cả tuyến y tế cơ sở trong quá trình cấp cứu và chuyển bệnh nhi lên các tuyến bệnh viện cao hơn.
Trên thực tế, công tác cấp cứu trước viện tại Việt Nam còn rất hạn chế, không ít trường hợp tử vong trước khi đến bệnh viện do bệnh nhân không được sơ cứu kịp thời và không đúng phương pháp. Như theo báo cáo bước đầu của Nghiên cứu quy hoạch tổng thể an toàn giao thông đường bộ tại VN về chăm sóc y tế trước khi đến bệnh viện đáp ứng tai nạn giao thông thì đánh giá kỹ thuật cấp cứu ban đầu cho thấy: 34,8% không được xử trí cấp cứu; các xử trí thông thường chỉ đạt yêu cầu chuyên môn dưới 50%. Chưa kể, mới có một bộ phận nhỏ tham gia vào cấp cứu trước viện, trong đó chủ yếu là trung tâm cấp cứu 115 ( trung tâm 115 Hà Nội mới đáp ứng được 10% nhu cầu cấp cứu bệnh nhân), ngoài ra có một số công ty vận chuyển cấp cứu tư nhân, nhưng quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu vận chuyển bệnh nhân nặng về nhà, trang thiết bị, trình độ cấp cứu còn nhiều bất cập.
Việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân có khả năng tiếp cận được chăm sóc y tế kịp thời và phù hợp hơn. Hiện tại chúng ta cần tập trung vào việc rà soát lại mô hình cấp cứu trước viện tại khu vực và trên thế giới; hệ thống cấp cứu y khoa trên thế giới hiện nay và những yêu cầu phát triển tại Việt Nam, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc cấp cứu trước viện; những khó khăn thách thức của mạng lưới cấp cứu trước viện tại Việt Nam; những nguyên nhân nào ảnh hưởng tới khả năng cung cấp dịch vụ và tuân thủ các điều kiện của hoạt động cấp cứu ngoại viện nhằm đưa ra những định hướng, giải pháp cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cấp cứu ngoại viện của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo một kết quả nghiên cứu tại Hàn Quốc cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện tiếp cận được với trung tâm chấn thương phù hợp cao gần gấp đôi nhóm bệnh nhân sử dụng phương tiện cá nhân. Mặt dù bệnh nhân di chuyển bằng phương tiện cá nhân có thời gian tiếp cận cơ sở y tế có thể ngắn hơn nhưng thời gian để thực hiện các cận lâm sàng và điều trị cấp cứu tại bệnh viện lại dài hơn so với bệnh nhân được vận chuyển bằng xe cứu thương do thông tin của bệnh nhân không được cung cấp trong quá trình vận chuyển để bệnh viện tiếp nhận có sự chuẩn bị trước. Trong khi đó các nghiên cứu trong nước hiện nay còn ít chưa đủ cung cấp thông tin tổng thể về thực trạng để đề xuất các giải pháp mang tính hệ thống cho hoạt động cấp cứu ngoại viện.
Để góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong và thương tích nặng, mạng lưới tình nguyện viên (TNV) ở 5 tỉnh/thành phố đã được thiết lập và thực hiện sơ cấp cứu cho nạn nhân tai nạn thương tích.
Trong 5 tháng thực hiện thí điểm vận hành mạng lưới tình nguyện viên, nhân viên y tế thôn bản và ghi chép biểu mẫu đánh giá xử trí chăm sóc chấn thương trước viện, Cục Quản lý môi trường y tế đã thu được một số kết quả như sau: 3.000 tình nguyện viên ở 5 tỉnh/ thành phố trong 5 tháng đã sơ cấp cứu được 3.320 trường hợp tai nạn thương tích.
Trong đó trung bình trong 1 tháng TNV Hà Nội sơ cấp cứu được 115, Hưng Yên là 112, Thừa Thiên Huế là 198, TP Hồ Chí Minh là 135 và Đồng Nai là 103; 61,1% các trường hợp được sơ cấp cứu đã được chuyển đến các cơ sở y tế.
Và có 40,5% các trường hợp tai nạn giao thông, 25,9% ngã và 21,1% tai nạn lao động.đã được sơ cấp cứu bởi các tình nguyện viên.Trong loại hình tai nạn giao thông, nhóm tuổi gặp tai nạn và được sơ cứu chủ yếu từ 20-29 (chiếm 36,2%) và nhóm tuổi 30-39 (19,6%), Về tai nạn lao động, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 30-39 (31,4%) và sau đó là nhóm tuổi 20-29 (29,7%). Còn nạn nhân bị ngã lại chiếm tỉ lệ cao ở nhóm tuổi dưới 15 (43,7%).
Tỷ lệ giới tính: 67,2% nạn nhân được sơ cấp cứu là nam giới (nữ 32,8%)
Tính chất thương tích là chảy máu chiếm tỷ lệ cao nhất là 60%, tổn thương phần mềm với tần suất 50,1%; 68,3% nạn nhân được sơ cứu với hình thức băng bó, 62,8% được sơ cứu bằng cách cầm máu và 81,8% được vận chuyển bằng xe máy (ô tô cứu thương chỉ chiếm 3%); Trong số 3.320 nạn nhân được sơ cấp cứu, có tới 1995 nạn nhân được đánh giá bởi cán bộ y tế tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và các bệnh viện tỉnh. Theo đánh giá của các cơ sở y tế về chất lượng sơ cấp cứu tai nạn thương tích của tình nguyện viên, tần suất xử trí tốt các trường hợp tuần hoàn và cầm máu chiếm từ 96.7% đến 99%, còn tỉ lệ xử trí đường thở thấp nhất với 68.3%.
Như vậy, về cơ bản mạng lưới tình nguyện viện đã được vận hành tốt và có sự hỗ trợ tích cực có hiệu quả cho các trường hợp tai nạn thương tích tại cộng đồng.
Cần nâng cao hiểu biết về sơ cấp cứu
Thực tế trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp phải những trường hợp người bệnh hoặc nạn nhân bị chấn thương cần được cấp cứu. Trước khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến, cần phải duy trì sự sống cho họ bằng những biện pháp cấp cứu ban đầu. Vì thế, vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về sơ cấp cứu, việc cập nhật kiến thức về cấp cứu ngoại viện cho nhân viên y tế, việc mở các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho người dân tại cộng đồng, cho học sinh, sinh viên vv… là tối cần thiết, từ đó góp phần giảm thiểu nguy cơ không mong muốn đối với người bệnh, người bị nạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tình hình sơ cấp cứu tai nạn thương tích của tình nguyện viên tại Hà Nội, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai năm 2011
- Hội nghị quốc tế về Y học cấp cứu năm 2016
- Hội nghị Tăng cường năng lực mạng lưới quốc gia cấp cứu trước viện năm 2019