Chăm sóc vết thương đúng cách

CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG ĐÚNG CÁCH

Da là một cơ quan liên tục nhưng không đồng nhất, bao phủ bên ngoài cơ thể và đảm nhiệm các chức năng như: điều hòa, cảm nhận nhiệt độ hay tổng hợp vitamin,…Với diện tích bề mặt khoảng 2m2, da như một màng chắn bao bọc cơ thể, tránh khỏi sự tác động từ môi trường bên ngoài. Bất kể lý do gì gây tổn thương da đều có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe vì mất hàng rào bảo vệ tiên phát.

1.   Sự lành vết thương diễn ra như thế nào?

Vết thương là dạng tổn thương của da và các mô dưới da với nhiều hình thức khác nhau như: rách, cắt, đâm thủng hay chấn thương do lực tác động (chấn thương đóng). Tùy vào tính chất của vết thương, chúng có thể tự lành sau một thời gian hoặc bị nhiễm trùng và diễn tiến nặng hơn.

Lành vết thương là một quá trình phụ thuộc vào nhiều loại tế bào và một số hóa chất trung gian được phóng thích vào máu. Sự hoạt động của các tế bào và các hóa chất trung gian trong quá trình lành vết thương được chia theo các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn viêm: Bạch cầu vừa thực bào vừa tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời dọn sạch các mô chết.
  • Giai đoạn tăng sinh: Lấp đầy và tạo mô mới
  • Giai đoạn trưởng thành: Co rút ngoại bì

2.   Các loại vết thương

Tùy vào tác nhân gây tổn thương mà vết thương được chia thành các dạng khác nhau. Nhìn chung, dựa vào tính chất của vết thương, chúng được chia thành hai dạng chính:

  • Vết thương đóng là sự tổn thương da và các mô dưới da nhưng bề mặt da còn nguyên vẹn. Biểu hiện là sự đỏ hay tím vùng tổn thương đôi khi có dấu hiệu sưng nề. Ví dụ: Vết bầm tím (do sự tổn thương của các mạch máu nhỏ)
  • Vết thương hở là sự không nguyên vẹn của bề mặt da, máu có thể thoát ra khỏi lòng mạch và chảy ra ngoài vết thương. Ví dụ: Vết thương xay xát, đụng dập, bị cắt, bị đâm, bị rạch,…

3.   Chăm sóc vết thương đúng cách

Vết thương đóng

  • Chườm túi lạnh lên vùng bị tổn thương để giảm đau, giảm sưng và giảm chảy máu bên trong. Không chườm đá lạnh trực tiếp lên vùng bị tổn thương có thể khiến vết thương nặng hơn, nên dùng khăn/vải khô bọc lấy đá lạnh.
  • Giữ túi đá tại vị trí tổn thương không quá 20 phút và tối thiểu 20 phút sau tiếp tục chườm đá.
  • Kê cao vị trí tổn thương giúp giảm sưng nề. Tuy nhiên, không thực hiện nếu việc kê cao làm đau vùng tổn thương.

Vết thương hở

Việc sơ cứu và chăm sóc các vết thương hở sẽ phụ thuộc vào kích thước và độ sâu của vết thương. Với những vết thương nhỏ, có thể thực hiện sơ cứu một cách đơn giản và khả năng tự lành cao. Tuy nhiên, đối một số vết thương quá sâu và miệng vết thương rộng gây chảy máu nhiều và ồ ạt, không kiểm soát được thì ngoài sơ cứu ban đầu, cần phải có sự can thiệp điều trị sớm hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn nặng và tăng khả năng phục hồi cho nạn nhân.

Lưu ý: Trong quá trình sơ cứu và chăm sóc vết thương hở cần phải sử dụng găng tay sạch giúp hạn chế nguy cơ nhiễm  khuẩn cho nạn nhân và giảm bớt các rủi ro về các bệnh truyền nhiễm cho người sơ cứu. 

Vết thương nhỏ

  • Tạo áp lực đè ép trong vài phút lên vết thương để ngưng chảy máu
  • Sau khi máu ngừng chảy, rửa sạch vết thương với xà phòng và nước ấm. Có thể rửa trực tiếp dưới vòi nước ấm khoảng 5 phút để loại bỏ tạp chất và làm sạch vết thương.
  • Bôi thuốc mỡ lên vết thương giúp giảm viêm (không nên sử dụng nếu có ghi nhận dị ứng với thành phần của thuốc trước đó)
  • Dùng gạc sạch để băng vết thương lại

Lưu ý: Sử dụng hydrogen peroxide (H2O2-Oxy già) cũng có khả năng diệt khuẩn tương tự, tuy nhiên nó cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến các mô, làm chậm quá trình lành vết thương. Cho nên, cách tốt nhất để làm sạch vết thương là rửa với nước ấm và xà phòng.

Vết thương lớn

  • Tạo áp lực đè ép

Tương tự như trong sơ cứu vết thương nhỏ, cần dùng miếng gạc/vải sạch đè ép lên vết thương cho đến khi máu ngừng chảy, quá trình này thường kéo dài khoảng 15 phút. 

  • Garo

Khi bước đè ép vết thương không khiến máu ngừng chảy, cần tiến hành phương pháp garo cho nạn nhân. Đây là phương pháp làm tắc hoàn toàn động mạch đến nuôi một bộ phận nhất định. Khi đặt garo cần lưu ý tái thông mạch máu để tránh tình trạng hoại tử chi, nên nới lỏng garo khoảng 1 tiếng nới lỏng một lần, mỗi lần nới không quá 1 phút. Với vết thương nghiêm trọng có dập nát, khoảng 15 phút nới lỏng garo 1 lần, mỗi lần khoảng vài giây.

Lưu ý: Khi vết thương có dị vật, không nên rút dị vật ra khỏi vết thương,  dễ gây tình trạng nhiễm trùng nặng hơn và dấu hiệu sốc giảm thể tích do chảy máu ồ ạt.

 

KẾT LUẬN: Vết thương được chia thành nhiều dạng khác nhau với mức độ từ nhẹ đến nặng. Mỗi loại vết thương có cách chăm sóc riêng biệt. Đôi khi, việc xử lý vết thương đúng cách thường bị bỏ qua khiến quá trình lành vết diễn tiến chậm hơn và có thể có biến chứng nhiễm trùng. Chăm sóc vết thương đúng cách từ những bước đầu tiên là cách giúp vết thương tái tạo một cách nhanh chóng và hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. “Wound healing” -NCBI
  2. “ Wounds” – American Red Cross
  3. “ Wounds and Bleeding” – First Aid Manual

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *