Côn trùng cắn, xử trí như thế nào?

CÔN TRÙNG CẮN, XỬ TRÍ NHƯ THẾ NÀO?

Côn trùng được coi là một lớp sinh vật thuộc ngành động vật không xương sống. Đây là nhóm động vật đa dạng và xuất hiện phổ biến nhất hành tinh. Các loại côn trùng như: Kiến, sâu, ong, muỗi, nhện,…là những loại côn trùng thường bắt gặp và có thể gây tổn thương cho cơ thể qua các vết chích/đốt của chúng.

1.    Dấu hiệu côn trùng cắn

Về cơ bản, các loại côn trùng hầu như là vô hại, khi bị côn trùng chích hoặc đốt cơ thể thường có cảm giác khó chịu và xuất hiện các phản ứng tại chỗ như: sưng nhẹ, ngứa, đỏ,…Mức độ biểu hiện phản ứng sẽ tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người, nhưng phần lớn thường sẽ không gây tổn thương quá nặng. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ địa mẫn cảm hay chất độc có độc tố mạnh thì một vết cắn nhỏ cũng có thể kích thích đáp ứng miễn dịch toàn thân gây nổi mề đay, buồn nôn/nôn, khó thở và nặng hơn có thể dẫn đến sốc phản vệ. Bên cạnh đó, một số loại côn trùng (ruồi, muỗi) còn được xem như một vector truyền bệnh ở một số bệnh lý truyền nhiễm. 

2.    Xử trí khi bị côn trùng chích/đốt

Trong trường hợp phản ứng nhẹ:

  • Di chuyển nạn nhân ra vị trí an toàn không bị côn trùng cắn
  • Loại bỏ vòi chích của côn trùng ra khỏi bề mặt da để hạn chế sự phóng thích thêm các độc chất vào trong cơ thể. Có thể thực hiện bằng cách dùng đồ vật có cạnh trơn láng (thẻ tín dụng) để cạo, việc này giúp tống các độc chất ra khỏi vết chích/đốt. Không nên dùng tay để nặn vì việc này có thể khiến nọc độc lan rộng hơn. 
  • Rửa sạch vùng bị chích/đốt bằng nước và xà phòng
  • Chườm túi đá lên vùng tổn thương ít nhất 10 phút, đồng thời nâng cao vùng bị chích/ đốt giúp giảm đau và sưng.
  • Có thể sử dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc giảm ngứa.

Trong trường hợp phản ứng nặng:

  • Gọi ngay 115 để được hỗ trợ y tế sớm nhất
  • Nới lỏng quần áo của nạn nhân ra
  • Nếu có dấu hiệu nôn ói, cho nạn nhân nằm tư thế đầu nghiêng an toàn, tránh gây tắc nghẽn đường thở.
  • Nếu có dấu hiệu ngừng thở, tiến hành CPR ngay lập tức cho nạn nhân
Lưu ý: Không nên cho nạn nhân ăn/uống bất cứ thứ gì

Kiến ba khoang

Đối với kiến ba khoang, chúng thường không cắn hay chích người, tuy nhiên trong dịch cơ thể của chúng có chứa một loại amid độc là Pederin, có khả năng gây phồng rộp da với nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc với độc chất Pederin. Bên cạnh đó, chúng có thể gây bỏng mắt khi dùng tay có dính dịch của kiến ba khoang để dụi mắt hoặc loét da nặng nếu không được xử trí đúng cách.

Thời gian diễn tiến vết thương do kiến ba khoang như sau:

  • Có cảm giác râm ran tại vùng bị tổn thương ngay sau khi tiếp xúc
  • Trong vòng 6-12 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ
  • Trong vòng 12-24 giờ tiếp theo, xuất hiện phỏng nước hoặc phỏng mủ.
  • Sau 3 ngày, thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy.
  • Sau 5-7 ngày, vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu mất. 

Các bước xử trí như sau:

  • Rửa sạch độc chất trên da bằng dung dịch nước muối sinh lý
  • Bôi hồ nước hoặc dung dịch Jarish lên da để làm dịu da
  • Khi có vết loét có mủ, dùng các dung dịch sát khuẩn để làm sạch, loại bỏ vi khuẩn và làm khô vết thương. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được xem xét cho sử dụng corticoid hoặc thuốc kháng histamin để điều trị hiệu quả cho vết thương.

KẾT LUẬN: Côn trùng là loài sinh vật khá đa dạng, tồn tại ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Đa phần các loài côn trùng đều vô hại, tuy nhiên trong những trường hợp bị côn trùng chích/đốt các tổn thương vẫn có thể xuất hiện với mức độ từ nhẹ đến nặng tuỳ thuộc vào tác động của độc chất. Cho nên, không nên bỏ qua việc sơ cứu khi bị côn trùng cắn, nên tìm hướng xử trí phù hợp với tác nhân và tổn thương của nạn nhân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Insect bites and stings” – Nhs.uk
  2. “Insect sting” – American Red Cross
  3. “Kiến ba khoang” – Wikipedia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *