Kĩ năng sơ cứu cho người bị đột quỵ tại nhà

Đột quỵ là một bệnh lý tim mạch và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là một hội chứng lâm sàng bao gồm “các dấu hiệu rối loạn chức năng của não (khu trú hoặc toàn thể) phát triển nhanh, kéo dài từ 24 giờ trở lên hoặc dẫn đến tử vong, mà không xác định nguyên nhân nào khác ngoài căn nguyên mạch máu”. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2015) đột quỵ là nguyên nhân chính gây tử vong ở Việt Nam (21,7%) với tỷ lệ tử vong hàng năm là 150.000 (Health Grove, 2013).

Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra khuyết tật trầm trọng ở người lớn trên thế giới. Trên toàn cầu, chỉ có 15-30% người bệnh sống sót sau đột quỵ không để lại di chứng và khoảng 40-50% người bệnh sống cùng với di chứng của đột quỵ (Ủy ban Sáng kiến Đột quỵ Châu Âu, 2003).

Yếu tố nguy cơ

  • Tuổi cao
  • Nam nhiều hơn nữ
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn mỡ máu
  • Bệnh tiểu đường
  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc
  • Bệnh tim mạch
  • Béo phì
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động thể chất
  • Uống rượu bia quá nhiều

Khi có các nguy cơ trên, bệnh nhân nên chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt, và lên kế hoạch thăm khám với bác sĩ tim mạch để điều trị cho các bệnh lý nguy cơ.

Nhận biết dấu hiệu sớm để cấp cứu kịp thời

  • Trong trường hợp có thể có đột quỵ, sử dụng từ viết tắt FAST để giúp ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo:
    • Face (mặt) – Có lệch mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?
    • Arms (tay) – Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?
    • Speech (lời nói) – Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?
    • Time (thời gian) – Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.

Ghi chú: khi đưa ra cụm từ viết tắt F.A.S.T. (tương ứng với mỗi dấu hiệu cảnh báo theo nghĩa tiếng Anh), ngoài mục đích giúp cộng đồng dễ nhớ thì nó còn có ý nghĩa trong tiếng Anh là NHANH CHÓNG

  • Các dấu hiệu và triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:
    • Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân
    • Giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt
    • Đau đầu dữ dội – đau đầu đột ngột – đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng
    • Chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu có kèm với bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác

Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế gần nhất sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế. Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 – 4,5 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao. Tuy nhiên khi đột quỵ xảy ra, việc vận chuyển bệnh nhân cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn và có ý kiến của các chuyên gia thần kinh. Khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế, việc cấp cứu điều trị phải được tiến hành khẩn trương đúng quy trình.

Xử trí tại nhà như thế nào?

Quan điểm hiện nay là khi đã phát hiện bệnh nhân đột quỵ, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở điều trị chuyên sâu sớm, để tận dụng được thời gian vàng trong điều trị đột quỵ, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân.

  • Các bước sơ cứu người bị đột quỵ dễ thực hiện
    • Gọi điện thoại cấp cứu 115. Trường hợp đội ngũ cấp cứu chưa thể tiếp cận được thì cần chuyển an toàn người bệnh đến cơ sở y tế có điều kiện xử trí đột quỵ. Chú ý di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng, tránh va đập, rung lắc mạnh.
    • Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát dấu hiệu bất thường.
    • Đặt người bệnh nằm nghiêng một bên:
      • Tư thế nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân hay tư thế hồi sức cấp cứu là tư thế nhằm để bảo vệ đường thở của bệnh nhân, là ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
      • Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối để kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy.
    • Làm thông thoáng đường thở cho bệnh nhân.
    • Không để người bệnh tự di chuyển vì có thể bị ngã.
    • Đặt người bệnh trong tư thế thoải mái, nới rộng quần áo, cà vạt và khăn choàng cổ nếu có.
    • Ghi chú những loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.
    • Nếu như bệnh nhân bị ngưng hô hấp tuần hoàn thì phải tiến hành CPR. Luôn phải cho bệnh nhân nhận được oxy để nuôi dưỡng cơ thể, tránh tình trạng chết não.

Đặc biệt, trong thời điểm chờ nhân viên y tế 115, người nhà không nên cho người bệnh ăn hay uống bất cứ thứ gì vì nguy cơ cao bị sặc, gây nghẹt đường thở.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ y tế 2018, Hướng dẫn chẩn đoán , điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ
  2. Medical New Today 2017, What should you do if someone has a stroke?

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *