Sơ cứu ban đầu trong tai nạn thương tích

SƠ CỨU BAN ĐẦU TRONG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH

Hiện nay, trường hợp tử vong do chấn thương chiếm tỉ lệ khá cao, đa phần là các trường hợp tai nạn thương tích không chủ động như: Điện giật, chết đuối hay tai nạn giao thông,…Do thiếu hiểu biết và sơ cứu không kịp thời  mà hầu hết những nạn nhân chấn thương thường được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng tổn thương nặng hơn ban đầu.

Các bước cơ bản để thực hiện sơ cứu tai nạn thương tích:

  • Bước 1: Gọi người giúp đỡ và liên hệ 115
  • Bước 2: Kiểm tra ngưng tim ngưng thở. Tiến hành ép tim liên tục 120 lần/phút nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng tim. Chỉ di chuyển nạn nhân khi tim đã đập bình thường. Chuyển sang bước 3 nếu nạn nhân đã tỉnh, lơ mơ hoặc tự thở được.
  • Bước 3: Đặt nạn nhân tư thế an toàn
  • Bước 4: Cố định cột sống cổ (nếu không thể loại trừ được)
  • Bước 5: Cầm máu nếu có vết thương chảy máu
  • Bước 6: Cố định các vết thương gãy xương chi
  • Bước 7: Di chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất nhưng vẫn giữ đầu và cột sống cổ thẳng trục.

Nguồn: Internet

  • Cầm máu

Chảy máu là dấu hiệu thường xuất hiện trong các trường hợp tai nạn thương tích và rất dễ quan sát thấy. Cho nên, cầm máu thường được xử trí đầu tiên trong trường hợp chấn thương nặng.

Nhìn chung, cách cầm máu có hiệu quả nhất là tạo một áp lực trực tiếp lên vết thương. Người sơ cứu chỉ cần thực hiện bằng cách dùng vải, khăn sạch hoặc sử dụng tay đã đeo găng, sau đó đè ép vào vết thương. 

Tuy nhiên, trong trường hợp đè ép lên vết thương không hiệu quả thì cần thực hiện ngay phương pháp garo cho nạn nhân. Garo là phương pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, ngăn máu nuôi đến một bộ phận nhất định. Thực hiện garo thường gây đau, nhưng sẽ ngăn ngừa được trường hợp nạn nhân tử vong do mất máu. Cách garo đúng như sau:

Nguồn: Sở y tế Hà Nội

Với những trường hợp sơ cứu ngoài bệnh viện, việc tạo ra công cụ để thực hiện garo khá dễ. Tuy nhiên, việc mắc phải những lỗi sai trong quá trình garo có khả năng dẫn đến nguy cơ cắt cụt chi cho nạn nhân. Chính vì vậy, cần thực hiện đè ép vết thương và đánh giá trước khi tiến hành phương pháp garo.

Lưu ý: 

  • Đối với vết thương chảy máu thông thường, cần nới lỏng garo 1 tiếng 1 lần, mỗi lần không quá 1 phút.
  • Với những vết thương chảy máu có dập nát hoặc đứt chi, nên nới lỏng garo sớm hơn khoảng 15 phút 1 lần, chỉ nên nới lỏng trong vòng vài giây.
  • Đối đối vết thương chảy máu có dị vật đâm vào (dao, thanh sắt, gỗ, thuỷ tinh), tuyệt đối không nên rút dị vật ra khỏi vết thương.

  • Chấn thương cột sống cổ

Té ngã, tai nạn xe cộ, chấn thương thể thao,…đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chấn thương cột sống cổ. Trong sơ cứu, cần xem như nạn nhân đang có chấn thương cột sống cổ, cho đến khi có bằng chứng ngược lại để loại trừ.

Cần bảo vệ cột sống của nạn nhân trong quá trình di chuyển. Một người đỡ đầu, cố định phần đầu và thân thẳng trục, một người xốc nách từ sau và một người đỡ hai chân, cả ba người phải di chuyển cùng lúc, cùng tiến-lùi. Nếu việc di chuyển nạn nhân không quá cần thiết thì hạn chế xê dịch nạn nhân, để nạn nhân ở tư thế ban đầu và đợi xe cứu thương đến.

Những trường hợp nạn nhân chấn thương cột sống mất vững nhưng vẫn tiếp xúc tốt, người sơ cứu thường chủ quan và vô tình sẽ tác động lên cột sống cổ của nạn nhân, gây đứt tuỷ cổ dẫn đến choáng tuỷ, có thể bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không hồi phục, thậm chí là tử vong ngay lập tức.

  • Gãy xương chi

Chấn thương xương thường xảy ra ngay cả trong hoạt động hằng ngày. Về cơ bản, gãy xương nhỏ thường ít ảnh hưởng đến tính mạng và triệu chứng cũng không thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên với gãy xương lớn có thể gây ra tình trạng sốc chấn thương ở nạn nhân.

Gãy xương gồm 2 loại: Gãy xương kín và gãy xương hở. Trong trường hợp gãy xương hở, ổ gãy thông với môi trường ngoài, khả năng nhiễm khuẩn cao, nhiều biến chứng về sau, người sơ cứu không điều chỉnh hay cố gắng thay đổi vị trí của xương.

Sau khi xác định vị trí nghi ngờ gãy xương, cần sơ cứu theo các bước như sau:

Nguồn: Internet

  • Nẹp: sử dụng thanh gỗ hoặc các vật dụng có khả năng cố định thẳng trục chi, sau đó cố định qua 2 khớp chi bằng dụng cụ nẹp đó.
  • Độn: Dùng miếng gòn, gạc hoặc vải mềm lót vào vị trí tiếp xúc giữa ụ xương và nẹp hoặc độn vào đầu nẹp để hạn chế tổn thương thêm các phần khác của chi.
  • Băng: Dùng để cố định nẹp
  • Đai treo: Treo phía trước ngang qua cổ, hạn chế di chuyển, thường dùng cho chi trên.

Lưu ý: Trong trường hợp, chi biến dạng nặng, đầu xương có nguy cơ chọc thủng da, rối loạn tuần hoàn thì không nên bất động nẹp trong những trường hợp này.

 

KẾT LUẬN: Bộ Y tế ghi nhận được rằng : “Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày”. Chỉ riêng thống kê về tai nạn thương tích ở trẻ em, đã cho ra số liệu khá quan ngại. Chính vì vậy, việc nâng cao kỹ năng, chuyên môn về sơ cấp cứu trong và ngoài bệnh viện là điều vô cùng cần thiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1, “Sơ cứu tai nạn thương tích” – Bộ Y tế

2, “Traumatic Injuries-lesson 3” – Save a life by NHCPS

3, “Cấp cứu gãy xương chi” – Bệnh viện Bạch Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *