MỘT SỐ KĨ NĂNG CẦN BIẾT TRONG SƠ CẤP CỨU BAN ĐẦU
Sơ cấp cứu là sự can thiệp, chăm sóc ban đầu trước khi nạn nhân được tiếp cận phương pháp điều trị tốt hơn, cho nên kết quả của quá trình sơ cứu sẽ tác động trực tiếp lên hiệu quả của việc điều trị sau này. Chính vì vậy, ngoài trình độ chuyên môn, người sơ cứu cần nắm rõ những kỹ năng cần thiết giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả sơ cứu, đồng thời đảm bảo an toàn cho cả nạn nhân và người sơ cứu.
- Kiểm tra nạn nhân trước khi sơ cứu
Trước khi tiến hành sơ cứu ban đầu, người sơ cứu cần thực hiện các bước kiểm tra như sau:
- Khảo sát hiện trường xung quanh: Quan sát môi trường xung quanh giúp người sơ cứu đánh giá được sự an toàn cho bản thân và nắm bắt tình huống, sự cố xảy ra với người bị nạn. Từ đó, xác định các bước sơ cứu tiếp theo.
- Kiểm tra tổng trạng nạn nhân: Đánh giá tổng trạng giúp người sơ cứu tiên lượng được tình trạng của nạn nhân, đồng thời có thể đưa ra những hướng xử trí phù hợp. Để có thể đánh giá chung về tình trạng của người bị nạn, cần thực hiện các bước sau đây:
- Kiểm tra đáp ứng với kích thích đau: Kiểm tra đáp ứng giúp người sơ cứu đánh giá được nạn nhân đang trong trạng thái lơ mơ hay bất tỉnh, đánh giá được ý thức của người bị nạn. Đối với người lớn và trẻ em, có thể thực hiện bằng cách day vào xương ức. Đối với trẻ sơ sinh (dưới 28 ngày tuổi), cách kích thích đau là búng vào lòng bàn chân của trẻ.
- Kiểm tra nhịp thở, mạch đập: Đưa tai sát mũi, miệng của nạn nhân cảm nhận hơi thở đồng thời quan sát di động ngực bụng để xác định nhịp thở của nạn nhân trong vòng 10s. Sau đó, tiếp tục kiểm tra mạch, đếm mạch trong vòng 10s, bước này giúp đánh giá trình trạng ngưng tim ngưng thở của nạn nhân nhằm tiến hành hồi sức tim phổi sớm.
- Kiểm tra tình trạng chấn thương phần đầu và cổ: Tỉ lệ tử vong ở những người chấn thương đầu và cổ cao hơn nếu việc tiến hành sơ cứu sai cách. Nạn nhân có thể bị liệt, thậm chí là tử vong ngay lập tức do chèn ép cột sống cổ nếu quá trình sơ cứu cho nạn nhân không được chú ý kĩ.
- Rửa tay đúng cách
Bàn tay là bộ phận quan trọng của con người. Nó đóng vai trò hỗ trợ và tham gia hầu hết những hoạt động thường ngày trong cuộc sống, từ lao động, vệ sinh cá nhân, ăn uống,…Do đó, khả năng tiếp xúc với những mầm bệnh (virus, vi khuẩn, nấm) rất cao. Chính vì vậy, rửa tay sạch là điều thiết yếu giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý truyền nhiễm. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), rửa tay đúng cách giúp làm giảm 23%-40% bệnh lý đường tiêu hoá và từ 16%-21% đối với bệnh lý đường hô hấp. Theo khuyến nghị của Hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ, nên rửa tay sạch và tuân thủ các bước ngay sau khi:
- Thực hiện sơ cứu
- Phơi nhiễm với các bệnh phẩm như: máu, dịch cơ thể
- Sau khi đi vệ sinh
- Trước và sau khi ăn
Nhìn chung, nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố lây nhiễm trong sơ cấp cứu khá cao, nên việc bảo vệ bản thân cũng như nâng cao hiệu quả sơ cứu bằng cách rửa tay là vô cùng cần thiết. Để đảm bảo rửa tay đúng cách, cần tuân thủ theo các bước rửa tay như sau:
- Kỹ năng tiếp cận nạn nhân
Khi có sự cố hay tai nạn xảy ra, nạn nhân thường rơi vào trạng thái khủng hoảng và vô cùng hoảng sợ. Thái độ và cách giao tiếp của người sơ cứu có thể góp phần làm giảm nỗi sợ hãi cho người bị nạn, để đạt được điều đó người sơ cứu cần:
- Xây dựng lòng tin: Để tiếp cận được nạn nhân còn ý thức, tiếp xúc tốt, người sơ cứu cần xây dựng cho nạn nhân lòng tin nhằm tăng tính tương tác và dễ dàng cho quá trình sơ cứu. Muốn thực hiện được điều đó, người sơ cứu cần đảm bảo những vấn đề sau:
- Giới thiệu bản thân với nạn nhân
- Gọi tên nạn nhân khi giao tiếp
- Cần giải thích cho nạn nhân hiểu về những gì người sơ cứu sắp thực hiện
- Nếu có thể, cần có sự đồng ý của nạn nhân trước khi thực hiện các bước sơ cứu ban đầu
- Cá thể hóa từng nạn nhân: Cần đánh giá được tuổi tác cũng như vẻ ngoài của nạn nhân khi giao tiếp. Tuỳ vào từng độ tuổi, từng trường hợp mà cách giao tiếp khác nhau. Khi nạn nhân là trẻ em, người sơ cứu cần sử dụng từ ngữ ngắn gọn, dễ hiểu. Hoặc, nếu nạn nhân là người nước ngoài không có khả năng nghe và hiểu những gì người sơ cứu nói ra, thì lúc này các kí hiệu, cử chỉ sẽ là phương tiện giao tiếp phù hợp nhất.
- Sử dụng găng tay khi sơ cứu
Bước sử dụng găng tay sạch thường bị bỏ qua trong quá trình sơ cấp cứu ngoài bệnh viện vì chúng thường không có sẵn và đôi khi do người sơ cứu quên thực hiện khi nhận thấy tình trạng cấp cứu của nạn nhân. Thực ra, sử dụng găng tay sạch trong quá trình sơ cứu không chỉ hạn chế những rủi ro cho bản thân người sơ cứu mà còn giảm thấp nhất những biến chứng cho người bị nạn, đặc biệt là trong tai nạn chấn thương có tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể.
Việc đeo găng tay giúp hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch cơ thể của nạn nhân. Vì vậy, việc cởi bỏ găng tay dính máu hoặc dịch cơ thể sau khi sơ cứu cũng cần nên được lưu ý, các bước để tháo bỏ găng tay đúng cách:
Kết luận:
Ngoài trình độ chuyên môn về sơ cứu ban đầu thì người sơ cứu cần có khả đánh giá, giao tiếp và linh hoạt trong quá trình sơ cứu. Nhiều yếu tố từ môi trường xung quanh, từ nạn nhân và từ cả người sơ cứu đều có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sơ cứu. Cho nên, người sơ cứu cần có thái độ và tâm lý bình tĩnh để có thể xử lý được tình huống và cứu sống nạn nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- “When and how to wash your hand” – Centers for Disease Control and Prevention (CDC)
- “Basic First Aid for the Community and Workplace” – American safety & healthy institute
- “Becoming a first aider” – First Aid Manual
- “Checking an injured or ill person” American Red Cross