SƠ CỨU KHI BỊ BỎNG
Trong cuộc sống hàng ngày, chỉ cần một sơ suất nhỏ hay một phút bất cẩn cũng có thể gây ra bỏng. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp sơ cứu khi bị bỏng đều cần phải tuân theo những nguyên nguyên tắc cơ bản và rất cần thiết, bởi thực tế không ít trường hợp do không được sơ cứu kịp thời hoặc xử lý vết bỏng không đúng cách nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc.
Bỏng được xem như một loại chấn thương trên da hay các mô khác. Bỏng xuất hiện khi một vài hay tất cả các tế bào bị tiêu diệt bởi: sức nóng, lạnh, điện, phóng xạ, hay các tác nhân hóa học khác.
Cấp cứu bệnh nhân bỏng bao gồm: đánh giá dấu hiệu nguy kịch tới tính mạng bệnh nhân, đánh giá tổn thương bỏng, sơ cứu và cấp cứu.
Các bước sơ cứu khi bị bỏng
- Đánh giá nguyên nhân gây bỏng
- Bỏng do nóng: bệnh nhân tiếp xúc với dụng cụ chứa chất nóng bị vỡ, chất lỏng nóng, những vật dụng nóng, hơi nóng…
- Bỏng do lạnh: do tiếp xúc với băng đá làm bỏng tế bào.
- Bỏng do hóa chất: bệnh nhân tiếp xúc với một số loại hóa chất: acid, kiềm mạch hoặc iod, phospho dùng trong công nghiệp vôi tôi…
- Bỏng do điện: điện giật, sét đánh.
- Bỏng do hít: xảy ra khi có các vụ nổ hay hít phải các hơi máy.
- Bỏng do phóng xạ: năng lượng phóng xạ hay các phóng xạ gây ra bỏng thường gặp là “bỏng mặt trời”.
- Đánh giá tình trạng nguy kịch do bỏng gây ra
- Ý thức: tỉnh táo, hoảng hốt, lo âu, sợ hãi, đau đớn, vật vã, hôn mê.
- Thần kinh: co giật
- Hô hấp: nạn nhân bị bỏng vùng mặt, cổ nhất là khi bị kẹt trong nhà bị cháy dễ bị phù mặt cổ và các biến chứng đường hô hấp do hít phải khói, hơi, khí độc (xem xét sự thông thoáng đường hô hấp, dị vật chấn thương đường hô hấp kèm theo, đánh giá tình trạng hô hấp, SpO2…
- Tuần hoàn: tình trạng sốc: mạch nhanh, huyết áp tụt, dấu hiệu giảm tưới
máu.
- Chẩn đoán độ sâu của bỏng
- Độ 1: đỏ da, đau (như cháy nắng) rát do đầu mút dây thần kinh bị kích thích, loại bỏng này thường lành hẳn sau 3 ngày.
- Độ 2a (nông) phỏng nước lan rộng khắp bề mặt vết bỏng, đau nhiều, rỉ nước.
- Độ 2b (sâu): đau ít hơn độ 2a, có vùng tê, tổn thương da dính chặt bề mặt, ấn kính (+). Sẹo hình thành trong 3 tuần, có thể sẹo sâu, hoặc sẹo lồi xấu.
- Độ 3: vùng bỏng trắng bóng, đỏ tươi hoặc nâu không đau, vùng tổn thương bám chặt, cần phải ghép da.
Cần chú ý những vùng tổn thương bị che khuất, xác định nguyên nhân gây bỏng: bỏng điện, hóa chất, nước sôi, lửa.
Bỏng hóa chất: tiên lượng phụ thuộc vào việc rửa sớm, bỏng mắt phải được chuyển ngay cho chuyên ngành mắt.
- Xử trí theo mức độ bỏng:
- Đối với bỏng nhẹ, bao gồm bỏng độ 1 và bỏng độ 2:
- Làm mát vết bỏng
Để vùng bị bỏng dưới vòi nước mát (không phải nước lạnh) đang chảy trong 10 đến 15 phút hoặc đến khi giảm đau. Nếu không thực hiện được, hãy ngâm vết bỏng vào nước mát hoặc làm mát bằng đắp gạc lạnh. Làm mát vết bỏng sẽ làm giảm sưng phù. Không đặt nước đá lên vết bỏng.
- Băng vết bỏng bằng một miếng gạc xốp tiệt trùng
Không dùng bông hoặc những vật liệu khác có thể để lại xơ vải trên vết thương. Cố định miếng gạc không quá chặt để tránh gây chèn ép lên vùng da bị bỏng. Băng bó giúp ngăn vết bỏng tiếp xúc với không khí, giảm đau và bảo vệ vùng da bị phồng rộp.
- Sử dụng thuốc giảm đau
- Thuốc giảm đau bao gồm Aspirin, Ibuprofen, Naproxen hay Acetaminophen. Hãy cẩn trọng khi sử dụng Aspirin đối với thiếu niên và trẻ nhỏ. Tuy Aspirin được phép sử dụng với trẻ lớn hơn 2 tuổi, trẻ nhỏ hoặc thiếu niên mới lành bệnh thủy đậu hoặc những triệu chứng giống cúm không được dùng Aspirin. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có nhiều điều bận tâm.
- Bỏng nhẹ thường tự khỏi mà không cần chữa trị. Khi lành, bỏng có thể làm thay đổi sắc tố da, nghĩa là vùng da hồi phục sẽ có màu khác so với xung quanh. Chú ý những dấu hiệu nhiễm khuẩn như đau tăng, sưng đỏ, sốt hoặc nôn mửa. Nếu nhiễm khuẩn tiếp tục tiến triển, hãy tìm trợ giúp y tế. Tránh lặp lại chấn thương hoặc tắm nắng trong vòng 1 năm khi xảy ra bỏng, điều này sẽ làm thay đổi sắc tố da nặng nề hơn. Che nắng vùng da này ít nhất là 1 năm.
Chú ý
- Không dùng nước đá đắp trực tiếp nước đá lên vết bỏng có thể làm nhiệt độ cơ thể xuống thấp và làm vết bỏng nặng hơn.
- Không đắp lòng trắng trứng, bơ hoặc thuốc mỡ lên vết bỏng, vì nó có thể gây nhiễm khuẩn.
- Không làm vỡ vùng da bị phồng rộp. Các bóng nước bị vỡ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
- Bỏng độ 3
Là độ bỏng nặng nhất, ảnh hưởng tất cả các lớp của da và gây phá hủy mô vĩnh viễn. Cơ, mỡ, thậm chí là xương đều có thể bị ảnh hưởng. Những vùng này có thể bị cháy đen hoặc trắng và khô. Suy hô hấp, ngộ độc khí CO hoặc các triệu chứng nhiễm độc khác có thể xảy ra nếu bỏng kèm hít khói.
Với bỏng nặng, gọi 115 hoặc số cấp cứu tại địa phương. Trong khi chờ đợi cấp cứu, hãy làm theo những bước sau:
- Không cởi bỏ quần áo bị cháy
- Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng nạn nhân không tiếp xúc với vật liệu đang cháy âm ỉ hoặc khói và nhiệt.
- Không ngâm vùng bỏng nặng vào nước lạnh
- Việc này sẽ khiến nhiệt độ cơ thể giảm thấp (hạ thân nhiệt) và giảm huyết áp và tuần hoàn (sốc).
- Kiểm tra các dấu hiệu thở, ho hoặc cử động
- Nếu nạn nhân ngưng thở hoặc không có dấu hiệu của tuần hoàn, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR).
- Nâng cao bộ phận của cơ thể bị bỏng
- Nâng cao hơn tim nếu có thể.
- Che phủ vùng bị bỏng
- Dùng băng mát, ẩm, tiệt trùng hoặc vải hay khăn sạch và ẩm.
Bỏng là một tình trạng tổn thương rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, nhất là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả nhất thì việc nâng cao ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc sơ cứu, xử lý vết bỏng đúng cách nhằm tránh để lại những hậu quả đáng tiếc sau này.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ y tế 2018, Xử trí cấp cứu bệnh nhân bỏng.
- Merck Manual Professional Version 2018, Burns.
- Mayo Clinic 2018, Burn: First aid.