SƠ CỨU KHI BỊ SỐC NHIỆT
DO NẮNG NÓNG
Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao đột ngột, quá mức (thường trên 40oC) do tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời quá cao trong một thời gian dài, trong khi cơ thể con người chưa kịp thích nghi.
Từ đó, cơ thể ra nhiều mồ hôi làm mất nước, chất điện giải gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt (làm giảm khả năng thải nhiệt) của thần kinh trung ương, sốc nhiệt xuất hiện gọi là say nắng. Nếu ở khu vực đô thị, càng dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài do thiếu gió, chất lượng không khí kém, hơi nóng tỏa ra từ các nhà cao tầng, nhựa đường bị đốt cháy…
- Phân loại
Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức, hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.
- Sốc nhiệt kinh điển (classic heatstroke):
- Hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết.
- Tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
- Sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke):
- Hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường.
- Thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.
- Dấu hiệu và triệu chứng sốc nhiệt
Dấu hiệu chính của sốc nhiệt là thân nhiệt tăng cao rõ rệt, thường lớn hơn 40 độ C (104 độ F), với những thay đổi trong tri giác từ thay đổi tính tình đến lú lẫn và hôn mê. Da có thể trở nên nóng và khô mặc dù nếu sốc nhiệt do làm việc gắng sức, da có thể ẩm.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Nhịp tim nhanh.
- Thở nhanh và nông.
- Huyết áp tăng cao hoặc hạ thấp.
- Ngưng đổ mồ hôi.
- Dễ bị kích thích, lú lẫn hoặc bất tỉnh.
- Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng.
- Đau đầu.
- Buồn nôn.
- Ngất xỉu có thể là dấu hiệu đầu tiên ở người lớn tuổi.
- Các bước sơ cứu người bị sốc nhiệt
- Đưa nạn nhân vào bóng râm, cởi bớt quần áo, tưới nước mát hoặc nước hơi ấm lên người nạn nhân. Quạt để thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi, đặt túi chườm đá ở nách và bẹn. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và có thể uống, hãy cho uống nước mát hoặc nước lạnh không chứa cồn và cafein.
- Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3 – 38,8 độ C.
- Gọi cấp cứu nếu có thể. Nếu dịch vụ cấp cứu ở xa hay không đến ngay lập tức được có thể hỏi các nhân viên y tế cách cấp cứu nạn nhân.
- Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) nếu người bệnh mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động.
- Dự phòng
Sốc nhiệt hoàn toàn có thể phòng tránh được, hiểu biết về những rối loạn do sốc nhiệt giúp chúng ta giảm được tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong.
Cụ thể những việc cần làm:
- Phân loại các đối tượng có nguy cơ để có các biện pháp phòng chống và kế hoạch rèn luyện phù hợp.
- Khuyến khích các tổ chức đoàn thể có các chương trình phổ biến rộng rãi về dấu hiệu, triệu chứng và nguy cơ của bệnh để giúp chẩn đoán và điều trị sớm.
- Mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện để thích nghi với nóng, lập thời gian luyện tập thể lực vào lúc mát trong ngày, giảm bớt vận động thể lực vào lúc thời tiết quá nóng.
- Uống đủ nước và muối
- Khi có các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.
- Mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu.
- Tránh những nơi có nhiệt độ quá cao
- Nếu có thể, tránh đi đến những nơi có nhiệt độ quá cao. Vào những ngày nắng nóng, trên 40 độ không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Nên xem dự báo thời tiết trước khi lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là trong mùa hè.
- Trang bị cá nhân đầy đủ trước khi đi ra ngoài
- Nếu bạn phải đi ra ngoài trong thời tiết nóng, hãy chuẩn bị cho mình một chiếc áo cotton dài tay, nó không chỉ bảo vệ làn da của bạn mà còn giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể bạn được mát mẻ
- Bạn cũng có thể mang theo kem chống nắng.
- Bên cạnh việc cung cấp nước, bạn đừng quên bổ sung dinh dưỡng hợp lý bằng các thực phẩm giàu protein, carb để có sức chống chọi với nắng nóng.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn
- Cần nhớ rằng cơ thể con người có ngưỡng chịu đựng nhiệt độ nhất định. Vào những ngày nắng nóng, tăng cường nghỉ ngơi thường xuyên hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Sức khỏe và đời sống 2019, Đề phòng sốc nhiệt do nắng nóng.
- Merck Manual Professional Version 2019, Heatstroke.
- Mayo Clinic 2020, Heatstroke: First aid.