Sơ cứu nạn nhân bị ngộ độc

SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ NGỘ ĐỘC

Ngộ độc là tình trạng xảy ra khi các hợp chất gây độc đi vào cơ thể và tác động lên các mô, cơ quan. Nguyên nhân ngộ độc chủ yếu là do sự dung nạp các độc tố vào bên trong cơ thể, tuy nhiên dù ở hoàn cảnh khởi phát nào thì ngộ độc luôn là tình huống sơ cứu khẩn cấp, cần xử trí trước khi các chất độc đi vào máu và gây tổn thương cho cơ thể, thậm chí là tử vong.

1.    Ngộ độc là gì?

Ngộ độc là tình trạng cơ thể phản ứng lại với những độc chất vô tình được hấp thụ. Các chất độc đi vào cơ thể thông qua nhiều con đường khác nhau,  sau đó đi vào vòng tuần hoàn chung và tác động trực tiếp lên các cơ quan đích mà nó đi qua.

Các tác nhân thường gây ngộ độc có thể gặp:

  • Thuốc tân dược (Paracetamol, Benzodiazepin,…)a
  • Hoá chất bảo vệ thực vật
  • Chất độc tự nhiên (nọc độc rắn, ong, cá trắm, nấm độc,…)
  • Chất kích thích (ma tuý, rượu,…)
  • Chất độc trong môi trường, nghề nghiệp (Carbon monoxide, chì, cyanua,…)

Các chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều cách khác nhau (qua da, đường ăn uống, hít phải, tiêm vào tĩnh mạch hoặc do bắn vào mắt). Tuy nhiên, sau khi đi vào cơ thể các độc chất được đẩy vào vòng tuần hoàn chung và di chuyển theo dòng máu.

2.    Các chất độc tác động lên cơ thể như thế nào?

Những biểu hiện của nạn nhân sẽ tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố (vị trí tác động, nồng độ, thời gian), với những mức độ nặng, nhẹ khác nhau như:

  • Hô hấp: Khó thở
  • Tiêu hóa: Nóng rát miệng, thực quản, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng
  • Da: Nổi ngứa, mẩn đỏ, rát da
  • Tuần hoàn: Tim đập nhanh hoặc chậm, không đều, thiếu oxy máu (một số thuốc hoặc chất độc được tiêm đường tĩnh mạch đi thẳng vào tuần hoàn chung và ngăn cản khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu)
  • Gan, thận: Tổn thương tế bào
  • Mắt: Đau, chảy nước mắt hay nhìn mờ
  • Não: Chóng mặt, đau đầu, bất tỉnh

3.    Xử trí nạn nhân có dấu hiệu ngộ độc

Để xử trí ngộ độc cấp cần xác định tình trạng của nạn nhân và chọn hướng xử trí theo các nhóm như sau:

Nhóm 1: Loại bỏ tác nhân gây ngộ độc (hạn chế hấp thu, tăng đào thải, thuốc giải độc)

Nồng độ và thời gian chất độc đi vào cơ thể sẽ quyết định biểu hiện ngộ độc của nạn nhân. Cần phải loại bỏ các yếu tố nghi ngờ là tác nhân gây ngộ độc.

  • Trường hợp nuốt phải chất độc: Để loại bỏ được hết độc chất cần kích thích gây nôn cho nạn nhân. Nếu không chắc chắn về tác nhân gây ngộ độc, phải giữ lại mẫu bệnh phẩm do nạn nhân nôn ra và đưa đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Lưu ý: Nếu nạn nhân có nóng rát môi, thường do chất độc có tính bào mòn. Cho nạn nhân uống từng ngụm nước hoặc sữa sẽ giúp giảm sự bào mòn do độc chất gây ra.

  • Trường hợp hít phải chất độc: Đưa nạn nhân ra khỏi vùng có khí độc càng nhanh càng tốt, giúp nạn nhân hít thở không khí trong lành hơn.
  • Trường hợp chất độc trên da: Cởi bỏ quần áo có dính chất độc và rửa sạch bằng nước lạnh trong vòng 20 phút.
  • Trường hợp chất độc bắn vào mắt: Rửa mắt bằng nước liên tục trong vòng 10 phút.
  • Trường hợp bị côn trùng, động vật cắn: Rửa vết thương với xà phòng và nước ấm để hạn chế nguy cơ nhiễm độc, kê cao vị trí bị cắn để giảm sưng nề, sau đó có thể dùng gạc khô để băng vết thương lại. 

Nhóm 2: Xử trí triệu chứng

Ngay sau khi tiếp xúc với nạn nhân, nếu nhận thấy nạn nhân có tình trạng cấp cứu, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, cần phải thực hiện ngay các biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng và ổn định tình trạng nạn nhân. Cách xác nhận tình trạng nạn nhân bao gồm các bước:

  • Quan sát tổng trạng nạn nhân
  • Sờ mạch
  • Lay gọi nạn nhân

Những tình huống được coi là cấp cứu khi nạn nhân gặp vấn đề liên quan đến 3 hệ cơ quan sau:

  • Hô hấp: thở chậm, khó thở, ngừng thở
  • Tuần hoàn: loạn nhịp, tụt huyết áp
  • Thần kinh: co giật, hôn mê (thường được xử trí tại các cơ sở y tế)

Trong trường hợp nạn nhân ngưng tim ngưng thở do tác động của độc chất, nên xử trí tình trạng cấp cứu bằng CPR để cứu sống nạn nhân trước.

 

Kết luận:  Ngộ độc là tình trạng xảy ra khá phổ biến và có thể diễn ra ở một quy mô lớn (Ngộ độc thực phẩm ở nhà máy, xí nghiệp,…). Nguyên nhân của ngộ độc có thể xuất phát từ ăn uống, môi trường làm việc hoặc vô tình bị các côn trùng, động vật cắn. Khả năng gây hại của chất độc sẽ phụ thuộc vào nồng độ, thời gian hay bản chất của chất độc đó. Do đó, việc sơ cứu sớm cho nạn nhân bị ngộ độc trước khi nhập viện là cách để hạn chế sự tiếp xúc với chất độc ở nồng độ cao và trong thời gian dài.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1, “How to poison affect body” – First Aid Manual

2, “Hướng dẫn, chẩn đoán và xử trí ngộ độc” – Bộ Y tế

3, “Poisoning” – “American Red Cross

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *